Thursday, November 24, 2016

Những biện pháp giữ người tài cho công ty

Nhân viên giỏi thường không tìm kiếm các công ty trả lương hậu hĩnh. Thay vào đó, họ thường tìm kiếm công ty, nơi tạo ra việc làm ý nghĩa và thúc đẩy sự nghiệp thăng tiến. Một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các công ty ngày nay đó chính là nguồn nhân lực sáng tạo, có tư duy phản biện, và dám nghĩ dám làm. Dưới đây là 6 chiến lược công ty có thể áp dụng để xây dựng lợi thế này:

1. Dùng việc thu hút nhân tài như là một cơ hội marketing

Quy trình tuyển dụng có thể là một công cụ xây dựng thương hiệu quan trọng nếu được quản lí chặt chẽ và hợp lý. Trong bảng tin đăng tuyển, hãy miêu tả chi tiết văn hóa công ty, sự kiện công ty, chính sách tiền thưởng. Cần phát triển mục tuyển dụng chuyên nghiệp trên trang web công ty nhằm gây hứng thú cho các ứng viên.

2. Tạo một văn hóa có sức hấp dẫn mạnh để giữ chân nhân tài

Không gì thu hút nhân tài đến với công ty bằng chính nhân tài giỏi của công ty đó. Những ứng viên xuất sắc luôn bị thu hút bởi những nhà lành đạo tài ba. Điều quan trọng là cần xây dựng đội ngũ nhân viên giỏi gắn liền với thương hiệu công ty. Ứng viên có thể ấn tượng với thương hiệu công ty, nhưng cuối cùng, họ cần được thu hút bởi những người tài giỏi mà họ sẽ làm việc chung.

3. “Quảng cáo” ưu điểm của công ty – một công cụ xây dựng thương hiệu

Công ty cần đưa ra những lí do để giúp nhân viên hiểu rõ tại sao nhân viên nên làm việc tại công ty. Đó có thể là môi trường làm việc với những cải tiến không ngừng, cơ hội đào tạo tốt, hoặc đơn giản là bầu không khí thân thiện, tinh thần hợp tác cao. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng rất quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy nguồn nhân lực. Một môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng cho hiệu quả làm việc cao. Nhưng để giữ người, cần phải xây dựng mối liên hệ đoàn kết, thân ái, vui vẻ phấn khởi trong Công ty, làm sao để mỗi người đều cảm thấy mình có liên hệ rất mật thiết, có vai trò không thể thiếu trong tập thể. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể để giúp nhân viên rèn luyện kỹ năng sống, và giúp phát hiện những yếu tố tài năng còn tiềm ẩn.

4. Cung cấp cơ hội phát triển – cách thức quản lí đầy hấp dẫn

Giúp nhân viên thấy vui vẻ là điều quan trọng. Ví dụ như nhân viên mong nhận được phản hồi và đánh giá kết quả đào tạo về khả năng làm việc của họ trong công việc thường ngày, hoặc những nhân viên giỏi muốn được thử thách và công nhận, hãy đảm bảo công ty có những thử thách dành cho các cấp quản lý, cơ hội học tập đặc biệt để giúp nhân viên phát triển sự nghiệp và hoàn thiện bản thân với những điểm như sau:
-          Tạo cơ hội thăng tiến và thể hiện bản thân.
Việc đề bạt, thăng chức phải được công khai rộng rãi trong toàn bộ doanh nghiệp. Các tiêu chí nên được mô tả một cách rõ ràng, chi tiết. Nhà quản lý nên tăng cường phân quyền nhiều hơn, giúp cho nhân viên được độc lập suy nghĩ và độc lập ra quyết định. Đây chính là nhu cầu tự khẳng định và được tôn trọng trong thuyết nhu cầu của Maslow.
-          Đào tạo
Điểm mạnh của những nhân viên giỏi là khả năng học hỏi không ngừng. Hiểu được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức các khóa đào tạo hàng năm, giúp nhân viên nâng cao kỹ năng, khả năng của mình. Với điều kiện tài chính còn hạn hẹp thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên đào tạo tập trung, tổ chức các khóa đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng, chứ không nên dàn trải.
-          Tăng thêm tính hấp dẫn cho công việc.
Chúng ta biết rằng khả năng lớn nhất của một nhân viên giỏi đó là sự sáng tạo.Tình trạng “ không có đất dụng võ”, không thể hiện hết kỹ năng, khả năng sẽ sớm giết chết những điểm mạnh của họ. Tất yếu họ phải ra đi. Do đó, các nhà quản lý nên giao cho những nhân viên giỏi các công việc mang tính mới mẻ, gia tăng tính thử thách trong công việc, giúp nhân viên vượt qua bản thân họ, giúp nhân viên tự tin hơn, yêu công việc hơn.
-          Khen thưởng.
Hiện nay, hầu hết các doạnh nghiệp đều thưởng vào các đợt lễ hội, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Nhưng họ cần nhận thức được rằng, thưởng kịp thời là một hành động tích cực góp phần nâng cao thành tích nhân viên. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam nên gắn liền phần thưởng với thành tích. Mỗi khi nhân viên nào có một đóng góp lớn cho tổ chức thì phải thưởng và tuyên dương ngay sau đó chứ không phải là chờ đến các dịp cuối năm, thưởng một cách đồng loạt ( như họ đang làm)

5. Đẩy mạnh cân bằng công việc – cuộc sống

Cho phép nhân viên làm việc tại nhà, dẫn con đến cơ quan vào một ngày làm việc, hoặc tổ chức những sự kiện giữa tuần sẽ tạo được sự cân bằng cuộc sống. Hỗ trợ nhân viên giữ được cân bằng cuộc sống và công việc sẽ giúp công ty giữ chân người tài.

6. Linh hoạt và gắn bó như gia đình

Vậy các công ty nên làm gì để nhân viên trẻ không nhảy sang công ty đối thủ? Chính sách gắn bó như gia đình như nghỉ thai sản, lịch làm việc linh động, nghỉ phép rất cần thiết. Ví dụ như công ty có thể cho phép làm việc tại nhà trong thời gian ngắn nếu nhân viên có việc gấp cần giải quyết, tổ chức khóa thiền, Yoga trong công ty để rèn luyện sức khỏe thân và tâm.

Nói tóm lại, để giữ được người tài cho công ty, không chỉ từ 6 yếu tố trên mà còn rất nhiều yếu tố khác cấu thành. Bên cạnh đó người CEO cần có những tư duy chiến lược hoàn toàn đúng đắn và chính xác về cơ chế nhân tài, nhạy cảm linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để có thể giữ được người tài cho công ty.



No comments:

Post a Comment